Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng ngành hàng không

Việc tìm kiếm nhà cung cấp cho chuỗi cung ứng sản xuất của Boeing tạo cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt tham gia chuỗi cung ứng ngành hàng không.

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra chiều ngày 13/9, ông Maxime Dourdan – Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc của Tập đoàn Boeing – cho biết: Hiện nay các nhà cung cấp cấp 1 của Being chủ yếu là doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc. So với 2 quốc gia này, Việt Nam có lợi thế hơn hẳn về chi phí sản xuất. Đồng thời, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày một nâng cao với lực lượng kỹ sư, lao động kỹ thuận cao.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất cởi mở, sẵn sàng học hỏi. Do đó, đây là cơ hội để Boeing có thể mở rộng chuỗi cung ứng đến Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế ngành hàng không rất phức tạp nên nhà cung cấp cũng phải có năng lực về tự động hóa để đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Boeing yêu cầu.

Tập đoàn Boeing: Việt Nam có lợi thế về chi phí sản xuất hơn so với Hàn Quốc, Nhật Bản
Bà Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và đại diện Boeing chia sẻ về khả năng tham gia chuỗi cung ứng cua doanh nghiệp Việt tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ

Không có giải pháp đơn lẻ nào cho sự phát triển chuỗi cung ứng của Boeing ở Việt Nam mà phải là giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp mà doanh nghiệp quan tâm là giải pháp về thương mại sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất và cung cấp thẳng cho Boeing.

Đồng thời khuyến khích các nhà cung cấp cấp 1 ở Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư và tìm các thiết bị, nhà cung cấp cấp 3 tại Việt Nam. Cùng với đó là tổ chức đào tạo nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cho ngành hàng không.

Hiện tại, Boeing đã có bộ phận chuyên trách tìm kiếm nhà cung cấp riêng tại Việt Nam để tìm những sản phẩm đá ứng được quy cách, quy định, an toàn của hãng. Tuy nhiên, lộ trình tìm kiếm nhà cung cấp phải theo từng bước. Ban đầu các doanh nghiệp chỉ có thể là nhà cung cấp cấp 3, cấp 4, dần dần sẽ có thể cung cấp những sản phẩm trọng yếu hơn và có thể trở thành nhà cung cấp cấp 1.

“Việt Nam là thị trường có nhiều lợi thế, tiềm năng và Boeing mong muốn sẽ tìm được nhà cung cấp cho chuỗi cung ứng của mình. Để trở thành nhà cung ứng cho Boeing, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải có 1 cuộc chạy nước rút”, ông Maxime Dourdan nhấn mạnh.

Đánh giá về cơ hội của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing, bà Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)- cho biết: Hiện nay trong lĩnh vực chế tạo, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, doanh nghiệp chỉ sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Tuy vậy thời gian gần đây, những yêu cầu của khách hàng về sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế ngày càng nhiều nên doanh nghiệp Việt đang tìm cách nâng cao năng lực.

Trong đó, với công nghiệp năng lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Điển hình như sản xuất khay đựng pin cho Vinfast. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm như khay đựng pin, dây nối cho xe điện đã được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thế mạnh trong sản xuất các thiết bị toàn bộ như giàn khoan tự nâng sử dụng trong điện gió ngoài khơi, hay các thiết bị trong tuabin gió.

“Mặc dù số lượng ít, song những đơn hàng này có lợi nhuận cao. Thời gian tới, khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, tham gia vào thị trường này, VASI kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc chơi này”, bà Bình kỳ vọng.

Với ngành hàng không, bà Bình cho rằng, dù có một số doanh nghiệp có khả năng làm được những linh kiện nhỏ đơn chiếc cho Boeing nhưng thực tế tập đoàn này đã có chuỗi cung ứng hoàn thiện. “Doanh nghiệp Việt biết rõ khi tham gia phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về chất lượng, giao hàng. Song làm cho xe máy sẽ dễ hơn điện tử và điện tử dễ hơn ô tô, còn hàng không hiện chưa thể đáp ứng hết”- bà Bình cho biết thêm.

Theo bà Bình, để tham gia sân chơi và trở thành một mắt xích cho lĩnh vực hàng không nói chung, Boeing nói riêng chúng ta phải có sự chuẩn bị dài hơi. Lấy ví dụ từ Malaysia, bà Bình cho biết, từ 30 năm trước Malaysia đã có chiến lược phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ. Do đó họ mới có đủ sức để tham dự cuộc chơi thị trường hàng không vũ trụ. Dù vậy, với Việt Nam, chúng ta đã làm được cho ô tô điện thì sẽ có cơ hội làm cho những ngành khác, kể cả hàng không.

“Khi chúng ta biết mình là ai, biết điểm mạnh, điểm yếu, có nhiều thông tin chia sẻ… thì sẽ luôn tìm được miếng bánh thị phần trong toàn thị trường”, bà Bình nhấn mạnh.

Nguồn: Congthuong.vn

Bài viết liên quan
Tuyển nhiên viên kỹ thuật cơ điện-T5/2017

I. Mô tả công việc: Vệ sinh, kiểm tra, vận hành máy Chịu trách nhiệm chuyển giao hàng hóa và Xem tiếp...

Những phát minh ra đời sớm nhưng ngày nay mới được phổ biến
Những phát minh ra đời sớm nhưng ngày nay mới được phổ biến

Máy rửa bát  Nhận thấy nhu cầu sử dụng máy để rửa chén đĩa tại các nhà hàng ngày càng Xem tiếp...

Lịch sử ra đời của tủ lạnh, phát minh thay đổi nền công nghệ thế giới

Ngay từ thời xa xưa, con người đã sử dụng nhiều cách thức thông minh nhằm bảo quản thực phẩm Xem tiếp...